Tổ chức chính trị Thời_kỳ_Mycenae

Thế giới Mycenaean

Do thiếu vắng các nguồn trực tiếp, tổ chức chính trị chung của Mycenaean không thể được xác định một cách chính xác. Trong truyền thuyết được ghi lại hàng thập kỷ sau đó, có một vài bang, thành phố trong Iliad: Mycenae, Pylos, Orchomenos – đã được khảo cổ học biết tới – và có thể các địa danh chưa được xác định Sparta hay Ithaca. Chỉ có các bang của Pylos và Knossos là được chứng thực rõ ràng trong các văn bản Linear B. Ngay cả như vậy, không thể biết được đâu là trung tâm chính trị chủ yếu ở Argolis, nếu tồn tại: Mycenae, Tiryns, hay Argos? Và còn Aten, và các địa điểm được phòng thủ kiên cố ở Gla và Iolcos?Sự đề cập tới vua của Ahhiyawa trong các nguồn tài liệu Hittite được cho là liên hệ tới vua của Achaean, vị vua Agamemnon của Mycenae trong Iliad, nhưng không có gì chứng tỏ Ahhiyawa trên thực tế là Achaean (dù đây là cách suy luận logic nhất), và vị trí của vương quốc này vẫn là một vấn đề đang tranh luận: Tiểu Á, Rhodes, Peloponesus? Mặc dù một vài nhà nghiên cứu, căn cứ vào các nguồn của Hittite và Homer, muốn cho rằng Hy Lạp Mycenaean là một liên hiệp của các thành bang được cai quản bởi một vị vua, primus inter pares (đứng đầu trong số còn lại), điều này chưa thể được xác nhận.

Trên quy mô nhỏ hơn, một vài thông tin không chắc chắn về tổ chức bên trong của các vương quốc nổi tiếng nhất, Pylos và Knossos, có thể được làm sáng tỏ từ các nguồn bằng ngôn ngữ Linear B.

Thành bang có vẻ như được cai quản bởi một vị vua, wa-na-ka (ϝάναξ / wánax), chắc chắn là có vai trò quân sự, tòa án và tín ngưỡng. Ông ta được gọi là anax (ἄναξ) ("chúa tể, tối cao, ông chủ") trong tác phẩm của Homer. Chín biến cố xuất hiện trong các văn bản dẫn đến sự suy luận là các lãnh chúa của Pylos và Knossos được tôn sùng. Tuy nhiên trong tác phẩm của Homer từ này còn có thể dùng để mô tả một vị thần linh.

Vị vua được trợ lý bởi một ra-wa-ke-ta (lawagetas), chắc chắn là lãnh đạo quân đội. Ông ta và vị vua mỗi người sở hữu một tài sản đất đai, gọi là te-me-no (τέμενος / témenos). Các quan chức cao cấp khác là te-re-ta (telestai), nhắc tới trong các văn bản như các địa chủ. Có lẽ họ có các vai trò về tín ngưỡng. Các e-qe-ta (equetai), theo nghĩa là người đồng hành (hiệp sĩ), hợp thành đội ngũ tùy tùng của vị vua. Họ là các chiến binh.

Ngoài các thành viên của tòa án còn có các quan chức cao cấp khác chịu trách nhiệm quản lý khu vực địa phương. Vương quốc Pylos được chia thành hai khu vực lớn, de-we-ra ka-ra-i-ja (khu vực gần), và pe-ra-ko-ra-i-ja (khu vực xa), xung quanh thành phố re-u-ko-to-ro. Vương quốc còn được chia thành 7 quận, và được chia nhỏ hơn thành một số các xã. Để quản lý các quận này, vị vua đặt ra một ko-re-te (koreter, thủ hiến) và một qa-si-re-u (prokoreter, phó thủ hiến). Một da-mo-ko-ro (damokoros, người coi sóc một damos), chịu trách nhiệm một xã, da-mo (dịch nghĩa là dân chúng, δῆμος / dễmos), và một qa-si-re-u (βασιλεύς / basileús) cùng chịu trách nghiệm ở cấp xã. Vai trò của họ chưa được biết rõ, có vẻ như họ lựa chọn một hội đồng những người lớn tuổi, ke-ro-si-ja (γερουσία / gerousía). Điều bất ngờ và thú vị ở đây là trong thời kỳ Hy Lạp cổ điển (Classical Greece), basileus nghĩa là vua, là quân chủ. Có vẻ như giai đoạn giữa sự tan rã của xã hội Mycenaean và thời kỳ cổ điển không có chức vụ cao hơn nào tồn tại – trên thực tế, và qua nhiều thế hệ, về pháp lý – so với chức vụ cấp xã.